Phân tích The_Room

Diễn giải, chủ đề và ảnh hưởng

Những chiêm nghiệm cuộc sống của Tommy về sự tương tác giữa người với người đã được đưa vào một chiếc máy xay, đồng thời rắc thêm vào đó những điều đen tối mà anh ấy phải trải qua trong suốt chín tháng vừa rồi. Điều duy nhất mà kịch bản của Tommy không đề cập đến, bất chấp lời tuyên bố của các nhân vật? [Đó chính là] tình yêu.
Tôi đã nhận ra một điều vô cùng sáng tỏ, u sầu và mạnh mẽ: tình bạn của chúng tôi là trải nghiệm nhân văn nhất mà Tommy từng có được trong mấy năm vừa qua. May mắn thay là dù có đang chạy trốn khỏi điều gì, anh ấy vẫn sẽ quay đầu lại và đối mặt với nó trong chính kịch bản phim của mình. Thay vì tự sát, anh đã viết hết [mọi thứ] ra để tự giải thoát bản thân khỏi sự dằn vặt. Anh ấy thực hiện nó bằng cách tự biến nhân vật của mình [Johnny] trở thành một con người hoàn hảo mặc kệ những hỗn loạn, dối trá và phản bội [bên ngoài].
– Sestero nói về lần đọc kịch bản đầu tiên.[43]

Sestero từng đưa ra một giả thiết rằng Wiseau xây dựng nhân vật trong phim dựa trên vai diễn Tom Ripley của Ngài Ripley tài ba vì có cảm xúc sâu sắc và sự đồng cảm với nhân vật; đồng thời, Wiseau cũng lấy ba nhân vật chính của tác phẩm này làm nguồn cảm hứng cho ba nhân vật chính của The Room. Sestero còn chỉ ra rằng nhân vật Mark vốn được đặt theo tên của Matt Damon – nam diễn viên thủ vai nhân vật Tom Ripley, tuy nhiên Wiseau đã nghe nhầm tên Matt thành Mark.[44] Ngoài ra Wiseau cũng lấy nguồn cảm hứng từ các vở kịch của nhà soạn kịch Tennessee Williams, vốn chứa đựng nhiều phân cảnh xúc động mà Wiseau rất thích biểu diễn lúc còn đang theo học tại trường kịch. Nhiều ấn phẩm quảng cáo của The Room cũng đã thể hiện sự tương quan rõ ràng với tác phẩm của nhà soạn kịch trên thông qua khẩu hiệu "Một bộ phim với niềm đam mê của Tennese Williams".[45][46]

The Room được coi là bộ phim "bán tự truyện" vì dựa trên một số tình tiết có thật trong cuộc sống của Wiseau, chẳng hạn như chi tiết về cách Johnny đi đến San Francisco và gặp Lisa, hay bản chất của tình bạn giữa Johnny và Mark.[47][45] Theo Sestero, nhân vật Lisa dựa trên khuôn mẫu là tình cũ của Wiseau. Ông đã định cầu hôn cô gái này với chiếc nhẫn đính hôn bằng kim cương trị giá 1.500 USD, nhưng vì bị "phản bội" quá nhiều lần nên mối quan hệ của họ sau đó đã chấm dứt. Với việc định nghĩa kịch bản phim như một "lời cảnh báo về những nguy cơ tiềm ẩn trong các mối quan hệ bạn bè", Sestero đã mô tả The Room là "những chiêm nghiệm cuộc sống của Tommy về sự tương tác giữa người với người", đồng thời đề cập đến lòng tin, nỗi sợ hãi và sự thật.[5]

Về chỉ đạo, đạo diễn và diễn xuất, Wiseau đã cố gắng bắt chước Orson Welles, Clint Eastwood, Marlon BrandoJames Dean, đặc biệt là phần diễn xuất của Dean trong phim điện ảnh Giant (1956)[13][48] và đi xa hơn là việc sử dụng trực tiếp các trích dẫn từ phim của họ – nổi bật trong số đó là câu thoại nổi tiếng "Em đang xé nát tôi, Lisa!" ("You are tearing me apart, Lisa!") có nguồn gốc từ một câu thoại tương tự do Dean thể hiện trong Rebel Without a Cause (1955).[48][49]

Sự thiếu nhất quán và sai sót trong nội dung phim

Kịch bản phim có nhiều sự chuyển biến về mặt tâm lý cùng những tính cách khó hiểu ở các nhân vật. Khi nhắc đến điều này, Sestero đã nhấn mạnh đến hai phân cảnh cụ thể. Phân cảnh đầu tiên là khi Johnny bước vào sân thượng với tâm trạng tức giận vì bị buộc tội oan là người bạo hành gia đình nhưng đột ngột trở nên vui vẻ khi nhìn thấy Mark; cũng sau đó, anh bật cười một cách vô cớ khi biết rằng một người bạn của Mark bị đánh đập dã man. Phân cảnh ví dụ thứ hai, xảy ra ở phần sau của bộ phim, khi Mark đang cố gắng giết Peter bằng cách đẩy anh xuống từ tầng thượng sau khi Peter nghi ngờ rằng Mark đang ngoại tình với Lisa; tuy nhiên, chỉ vài giây sau, Mark đã kéo Peter trở lại từ mép mái nhà, xin lỗi và cả hai tiếp tục cuộc trò chuyện trước đó như chưa có chuyện gì xảy ra.[50] Trên trường quay, Sestero và người giám sát kịch bản Sandy Schklair đã liên tục cố gắng thuyết phục Wiseau rằng không nên sắp xếp lời thoại cùng hành động như một bộ phim hài, nhưng Wiseau từ chối và tiếp tục sử dụng đúng như ban đầu.[51]

Bên cạnh các lỗi trong tính cách nhân vật xuất hiện đầy rẫy và liên tục, bộ phim còn bao gồm nhiều tuyến truyện cũng như tâm lý của nhân vật mâu thuẫn với nhau.[52] Cụ thể, trong một cảnh ở đầu phim, khi đang trò chuyện về việc lên kế hoạch tổ chức tiệc sinh nhật cho Johnny, Claudette đã nói với Lisa: "Mẹ đã nhận lại kết quả xét nghiệm. Mẹ chắc chắn bị ung thư vú".[10] Vấn đề này sau đó bị bỏ qua và không bao giờ xuất hiện trong suốt phần còn lại của bộ phim.[10][13] Tương tự, khán giả cũng sẽ không bao giờ biết được các chi tiết xung quanh khoản nợ liên quan đến ma túy của Denny với Chris-R, hoặc điều gì đã dẫn đến màn đối đầu đầy bạo lực của họ trên mái nhà.[10][53]

Ngoài việc là bạn của Johnny thì lý lịch của Mark cũng không được tiết lộ. Từ lần đầu tiên xuất hiện trên phim, nhân vật đã tự tuyên bố mình là một người "rất bận rộn" khi ngồi trong một chiếc ô tô đang đỗ vào giữa trưa mà không có lời giải thích cụ thể nào về nghề nghiệp cũng như những gì mình đang làm. Trong The Disaster Artist, Sestero cho biết anh đã tạo ra một câu chuyện nền cho nhân vật mà trong đó Mark sẽ là một phó thám tử ẩn danh, điều mà Sestero cảm thấy phù hợp nhất với một số khía cạnh khác biệt trong tính cách của Mark, bao gồm cả việc sử dụng cần sa; sự thay đổi thất thường về tâm trạng cũng như cách xử lý sự cố Chris-R của nhân vật. Tuy nhiên sau đó Wiseau đã bác bỏ việc thêm bất kỳ tuyến truyện nào về quá khứ của Mark vào kịch bản.[54]

Cũng tại một cảnh những nhân vật nam chính mặc tuxedo tụ tập trong con hẻm phía sau căn hộ của Johnny để chơi bóng bầu dục, khi Mark đến, máy quay từ từ phóng to vào khuôn mặt nhẵn râu của anh trong khi phần nhạc nền kịch tính phát ra. Không có gì xảy ra trong cảnh này và cảnh quay cũng không có bất kỳ ảnh hưởng nào đến cốt truyện. Cảnh quay sau đó đột ngột kết thúc khi các nhân vật quyết định quay trở lại căn hộ của Johnny sau khi Peter vấp ngã. Tương tự như hầu hết các tình tiết phụ khác của phim, phân cảnh này không bao giờ được đề cập đến xuyên suốt thời lượng còn lại của tác phẩm. Wiseau đã nhận rất nhiều câu hỏi về phân cảnh trên mà ông quyết định sẽ giải quyết nó trong chuyên mục Hỏi & Đáp có tại bản phát hành DVD. Tuy nhiên, thay vì giải thích, Wiseau chỉ nói rằng chơi bóng bầu dục khi không mang thiết bị bảo hộ thích hợp thật vui và đầy thử thách.[4] Sestero cũng đã được hỏi về tầm quan trọng của phân cảnh Mark cạo râu, tuy vậy câu trả lời duy nhất của anh trong suốt vài năm chỉ là "ước gì có người biết được". Anh cũng cho biết trong The Disaster Artist rằng Wiseau bắt anh cạo râu trên phim trường chỉ để Wiseau có cớ cho Johnny gọi Mark là "Babyface", biệt danh riêng của Wiseau dành cho Sestero.[55] Và vì không thể giải thích lý do cho sự xuất hiện của cảnh phim trên, nhiều nhà bình luận phim cũng chỉ có thể gắn mác cho nó như là "nghệ thuật ngoại vi".[56]

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: The_Room http://www.amazon.au/dp/1775175502 http://www.afi.com/silver/new/nowplaying/events.as... http://www.blu-ray.com/movies/The-Room-Blu-ray/295... http://www.boxofficemojo.com/movies/?id=theroom.ht... http://www.cnn.com/2011/SHOWBIZ/Movies/01/14/the.r... http://www.funnyordie.com/robynparis http://gothamist.com/2016/07/28/tommy_wiseau_the_r... http://bluray.highdefdigest.com/8435/the_room.html http://www.ifc.com/2009/03/a-primer-on-the-room http://mediamikes.com/2013/01/blu-ray-review-the-r...